Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Con đường từ nợ xấu đến bán tài sản bảo đảm không dễ dàng

Xử lý nợ xấu chưa bao giờ là dễ dàng khi hàng loạt vấn đề đặt ra khiến cho con đường thực hiện trở nên "gập ghềnh khó đi". Từ sự bất hợp tác của khách hàng, thiếu quy chuẩn trong việc chuyển giao tài sản, thiếu sự đồng lòng của chính quyền, hay không có "chợ mua bán nợ",...là những yếu tố đang ngăn bước tiến giải quyết "cục máu đông" nợ xấu.

Ồ ạt bán tài sản và nợ xấu

Xử lý nợ xấu là vấn đề nóng hiện nay khi liên tục xuất hiện thông tin về thu giữ tài sản, đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay của các ngân hàng.

Mới đây nhất, Sacombank thông báo bán đấu giá 11 bất động sản với giá khởi điểm hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó có Dự án Khu công nghiệp Phong Phú có giá hơn 7.600 tỷ đồng (đây là một dự án từng thuộc sở hữu của BCCI). Agribank cũng đưa ra lịch đấu giá 8 tài sản trong tháng 9 với tổng giá trị khởi điểm khoảng 200 tỷ đồng.

Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cũng không kém phần tích cực với khá nhiều khoản nợ xấu và các tài sản đảm bảo sẽ được đưa ra đấu giá trong tháng 9. Tổng giá trị khởi điểm gần 1.000 tỷ đồng.Cùng với đó, Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng đưa ra nhiều thông tin đấu giá bán các khoản nợ và tài sản bảo đảm.

Con đường từ nợ xấu đến bán tài sản bảo đảm không dễ dàng

Có thể thấy, việc xử lý các khoản nợ xấu đang trở nên linh hoạt và nhanh hơn trước đây. Từ một khoản nợ xấu đến xử lý tài sản bằng cách thu giữ, bán đấu giá,… đã từng là những bước đi không dễ dàng đối với ngân hàng.

Từ bước gửi đơn khởi kiện (khi khách hàng không hợp tác) và đến ra bản án cuối cùng mất rất nhiều thời gian. Khách hàng trốn khỏi nơi cư trú, không hợp tác giao nhà, phát sinh tranh chấp với bên thứ ba,... Là những vấn đề thường gặp nhất trong những vụ án xử lý tài sản.

Đôi khi có những vụ án kéo dài 5 - 6 năm chưa đưa ra kết quả khi phát sinh tranh chấp. Ngân hàng "lặng lẽ" ngồi nhìn tài sản đứng im một chỗ và xuống giá.

Tài sản là động sản như ô tô rất nhanh xuống giá, nếu việc xử lý không được thực hiện ngay, càng kéo dài thì giá trị tài sản càng giảm mạnh và kết quả thu hồi không được bao nhiêu.

Còn đối với tài sản là bất động sản như đất đai, nhà cửa thì thị trường thay đổi không ngừng, giá tăng giảm là rủi ro trong quá trình xử lý chưa xem xét đến việc xuống cấp của tài sản trên đất.

Tài sản rao bán nhưng mãi không bán được

Nhiều trường hợp tưởng chừng như đã đến bước cuối cùng để xử lý dứt điểm các khoản nợ thì lại tiếp tục đối mặt với "chướng ngại vật" mới.

Đơn cử như thu giữ thành công Saigon One Tower, định giá xong nhưng nhiều chuyên gia nhận định với mức giá 6.110 tỷ đồng thì khó bán được.

Hay như vụ rao bán tài sản thế chấp của Công ty Khoáng sản Miền Trung tại Agribank. Tổ chức ba lần và liên tục giảm giá (giảm gần 70 tỷ đồng) mà vẫn không có người mua.

Đầu năm 2018, Sacombank thông báo đã thanh lý thành công 3 lô đất tại khu công nghiệp Đức Hoà III - Long An, sau hai lần rao bán thất bại và phải giảm giá gần 900 tỷ đồng. Trong khi có lô đất đã được xử lý lại phải chấp nhận trả chậm trong vòng 7 năm, ân hạn hai năm đầu, chi phí trả chậm 7,5%.

Ở một góc độ khác, BIDV đấu giá khoản nợ của Công ty Địa ốc Gia Phú cũng vấp phải phản đối mạnh của cư dân sinh sống tại Chung cư Gia phú - nơi mà công ty này là Chủ đầu tư. Phía BIDV đã làm việc với cư dân và giải thích rõ đây là việc bán khoản nợ chứ không phải bán tài sản chung cư.

Theo quy định pháp luật, người mua được khoản nợ của công ty Gia Phú từ BIDV sẽ là chủ nợ mới, kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của BIDV đối với khoản nợ này. Quyền và nghĩa vụ giữa người mua căn hộ và chủ đầu tư trong dự án chung cư này hoàn toàn không thay đổi. Việc BIDV bán đấu giá khoản nợ hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân mua nhà trong dự án.

Tuy vậy, những thông tin rắc rối và phức tạp này cũng khiến những người mua tiềm năng không còn cảm thấy "hứng thú" với khoản nợ này.

Theo cho biết của ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch HĐTV VAMC, tốc độ xử lý nợ xấu cải thiện rõ rệt từ khi có Nghị quyết 42. Trong 100 nghìn tỷ VAMC đã thu hồi thì có 48 nghìn tỷ thu trong giai đoạn từ đầu năm 2017 đến nay.Cần cải biến những gì?

VAMC nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan, chính quyền địa phương như trong vụ thu giữ Saigon One Tower. Cùng với đó, ý thức phối hợp hợp tác của khách hàng được nâng lên. Trước đây khách hàng thường nói "chúng tôi khó khăn không có gì để trả nợ" thì thái độ nay đã thay đổi.

Tháp Saigon One Tower (Ảnh: Internet)

Ông cho rằng, cần quy định rõ hơn về việc giao tài sản trong hợp đồng tín dụng của khách hàng, cần áp dụng vào thực tế các phiên toà xét xử theo phương án rút gọn trong xử lý tranh chấp về tài sản. Đồng thời, ông mong muốn kế hoạch tăng vốn của VAMC sẽ nhanh chóng được thực hiện để có thể có lực xử lý nợ xấu.

Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành đề nghị tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan có liên quan, coi vấn đề xử lý nợ xấu là trách nhiệm chung chứ không chỉ riêng của ngân hàng. Ông nhấn mạnh việc đẩy mạnh tốc độ thi hành án bởi vì có nhiều bản án được đưa ra nhưng thi hành quá chậm.

Tính đến ngày 30/6/2018, hệ thống đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Tuy nhiên, dự phòng rủi ro vẫn là nguồn xử lý nợ chủ yếu, việc mua bán nợ chưa sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều do chưa có thị trường mua bán nợ. Nhiều khoản nợ xấu có nguồn gốc là từ các khoản đầu tư cơ bản, nợ đọng từ Ngân sách Nhà nước khó xử lý.

VAMC chỉ là trạm dừng chân tạm thời của nợ xấu

VAMC ra đời với trách nhiệm hỗ trợ ngân hàng, mua lại các khoản nợ xấu "khó nhằn" là một bước tiến lớn đối với quá trình xử lý nợ xấu. Ngân hàng bán các khoản nợ và nhận về trái phiếu VAMC với lãi suất 0%, đồng thời phải trích lập dự phòng hoàn toàn trong vòng 5 năm. Điều đó giúp các ngân hàng giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đặt kế hoạch rõ ràng cho việc trích lập dự phòng và kết quả là chắc chắn xử lý xong nợ xấu trong vòng 5 năm.

Tính đến 15/8, VAMC đã thu hồi gần 100.000 tỷ đồng trên 227.000 tỷ đồng nợ gốc mà công ty mua và đang quản lý. Trong danh mục hơn 1.200 tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu VAMC quản lý tính đến đầu tháng 8/2018 phần lớn được phân loại và là bất động sản.

Bán nợ cho VAMC thực chất chỉ là một biện pháp tạm thời, bởi ngân hàng không những vẫn phải phối hợp quản lý, thu hồi nợ mà còn phải trích lập đủ dự phòng cho nó. Điều này là yếu tố thúc đẩy một số ngân hàng lớn mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC, đưa nợ xấu về nội bảng hoặc xử lý ngay như Vietcombank, VietinBank, VIB, Techcombank, MBBank.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét